Du lịch
Ngày 11, tháng 07 - 2018

Chu du Làng Nổi Tân Lập gần xịt thành phố

Nếu cảm thấy ở thành phố ồn ào, tấp nập, muốn trốn đi đâu đó mà bị giới hạn về thời gian, thì làng nổi Tân Lập chính là điểm đến lý tưởng cho các tín đồ đam mê xê dịch.

Rừng tràm Tân Lập nằm trong khu du lịch làng nổi Tân Lập cách Sài Gòn gần 100km, thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An và gần biên giới Campuchia. Với vị trí khá gần nên có thể sử dụng phương tiện xe máy hoặc xe ô tô để di chuyển, vừa tiết kiệm vừa thuận tiện.

Đi Tân Lập như thế nào ?
 
  • Thứ nhất: Từ Sài Gòn các bạn đi theo hướng Quốc lộ 1A về thành phố Tân An (Long An) khoảng 40km -> tiếp tục đi theo quốc lộ 62 về huyện Mộc Hóa khoảng 62km là tới làng nổi Tân Lập.

  • Thứ hai: Xuất phát từ trung tâm thị trấn Củ Chi theo hướng huyện Bến Lức (Long An) khoảng 70km cho tới khi gặp ngã ba cuối đường rẽ phải thêm 35km là tới làng nổi Tân Lập.

Bật mí thêm trên đoạn đường QLN2 và QL62, có rất nhiều cánh đồng lúa vàng tươi, cánh đồng thơm (dứa) bạt ngàn hiện ra, vô cùng thích hợp để bạn nhanh chóng sống ảo với khung cảnh đậm màu thiên nhiên.

Hành trình “trôi nổi” làng Tân Lập

Tuy chỉ đi trong thời gian ngắn ngủi, nhưng bạn sẽ được trải nghiệm rất nhiều địa điểm thú vị  của khu vui chơi làng nổi Tân Lập. Hãy xem thử chuyến đi này như thế nào nhé:

Rất dễ dàng nhìn thấy cổng chào làng nổi Tân Lập ngay mặt tiền đường Quốc Lộ 62. Đặt chân đến nơi, bạn phải mua vé tham quan là 50K là vé đi thuyền chèo, bạn có thể cảm nhận được như là mình đang ở sông nước miền Tây, còn nếu bạn muốn đi thuyền máy hoặc có võ lái thì phí di chuyển là 130K.

Làng nổi Tân Lập là một khu rừng tràm nguyên sinh với thảm thực vật xanh mướt, người lái thuyền sẽ kiêm luôn vị trí hướng dẫn viên, đưa bạn đi khám phá và tìm hiểu về vùng đầm lầy khổng lồ, và giải đáp mọi thắc mắc. Sau khi đi theo lối đường thủy, bắt đầu tiến thẳng vào khu rừng nguyên sinh với hai bên lối đi là hàng loạt cây tràm đan xen nhau rợp bóng. Tại đây, bạn có thể chụp những bức ảnh đẹp hút hồn với góc chụp rộng và cho một ít filter vào, hình của bạn sẽ trở nên thật sinh động. Trong khu rừng tràm còn có đài quan sát với độ cao hơn 30m, vừa là chỗ để mọi người dừng nghỉ chân, còn là nơi để bạn đứng trên cao để chiêm ngưỡng toàn phong cảnh cả cánh rừng.

Nếu lần theo con đường của rừng tràm, bạn sẽ phát hiện ra “Khu thuần dưỡng chim” được Làng nổi Tân Lập bảo tồn và nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên. Tiếp nối khu bảo dưỡng chính là đoạn đường dẫn ra Hồ Bán Nguyệt, ở đấy có cây cầu gỗ vắt qua con kênh rất mộc mạc.

Sau khi đã khám phá hết “con đường xi măng xuyên rừng tràm dài nhất Việt Nam”, quay trở lại thuyền, và thưởng thức ẩm thực làng nổi. Tips nhỏ cho các bạn là hãy hỏi những người lái thuyền về những khu vực ăn uống vừa ngon vừa rẻ. Một số món đặc trưng của miền Tây Nam Bộ mà bạn nhất định phải thử như lẩu gà lá giang, cá linh chiên giòn, cá rô kho tộ hay lươn xào nghệ,... giá chỉ dao động từ 100K trở lại.

Nếu muốn mua một ít đặc sản Làng nổi, bạn có thể ghé qua chợ nông sản Thạnh Hóa nằm gần đoạn giao giữa QL62 và QLN2, đây là một ngôi chợ khá lâu đời cung cấp các loại nông – lâm sản từ các tỉnh miền Tây, mua đồ ở đây về làm quà biếu là hết ý.

Nếu bạn vẫn còn lưu luyến với Làng nổi và chưa muốn về, thì đừng quên ghé thăm làng cổ Phước Lộc Thọ trên  trên ĐT824 (thuộc Đức Hòa, tỉnh Long An) , được biết đến là nơi tập trung nhiều gỗ nhất Việt Nam. Với diện tích hơn 30.000m⊃2;, làng cổ Phước Lộc Thọ gồm 22 nhà cổ mang đậm bản sắc của 3 miền Bắc – Trung – Nam, các bộ sưu tập đồ cổ bao gồm cả chất liệu gỗ, sành, sứ… đem đến không gian hoài cổ cho du khách. Giá vé vào cổng là: 40.000 đồng/người.

Một số lưu ý cho bạn khi đi Làng nổi Tân Lập

  • Vào mùa nước nổi, nước sẽ ngập những con đường xuyên rừng do vậy bạn không nên đi vào thời gian này. Nếu muốn tham quan vào mùa này, bạn có thể liên hệ hỏi trước trung tâm vườn xem mùa này nước lớn hay nhỏ, có thích hợp tham quan hay không.

  • Tự chuẩn bị đồ ăn trước khi đi.

  • Nhớ mang theo thuốc chống muỗi, màn ngủ… nếu ở qua đêm để đề phòng muỗi và côn trùng.

  • Nếu chỉ đi và về trong ngày, chi phí chưa đến 200.000 đồng/người.

Chia sẻ bài viết này

Bình Luận